Thời Đường Thái Tông Vũ Văn Sĩ Cập

Năm 626, Tần Vương Lý Thế Dân e ngại Lý Kiến Thành sẽ gây hại cho mình nên đã phát động sự biến Huyền Vũ môn, phục kích và giết chết Thái tử Lý Kiến Thành cùng Tề vương Lý Nguyên Cát tại Huyền Vũ môn, sau đó ép Đường Cao Tổ phong làm Thái tử. Không lâu sau đó, Lý Thế Dân lên ngôi Hoàng đế, gọi là Đường Thái Tông. Đường Thái Tông phong cho Vũ Văn Sĩ Cập làm Trung thư lệnh.[2]

Năm 627, Vũ Văn Sĩ Cập từ chức Trung thư lệnh, trở thành Đô đốc Lương Châu (涼州) (nay thuộc Vũ Uy, Cam Túc). Truyền rằng trong thời gian làm Đô đốc, ông được người dân Lương Châu ái mộ vì phẩm chất và lịch thiệp, tăng cường công tác binh vệ và chống lại sự tấn công của Đột Quyết. Sau đó Sĩ Cập được triệu về Trường An và phong làm Điện trung giám.[7] Về sau nhân có bệnh, ông trở về làm Thứ sử Bồ Châu (蒲州) (nay thuộc Vận Thành, Sơn Tây), nhưng một thời gian lại được triệu về kinh đô làm Hữu vệ Đại tướng quân (右卫大将军). Vũ Văn Sĩ Cập thường được Hoàng đế mời dự yến tiệc cung đình, nhưng hiếm khi tiết lộ về những chuyện xảy ra tại các buổi yến tiệc, ngay cả với vợ con. Đường Thái Tông nhân xem xét Sĩ Cập có công lập quốc đã phong con trai ông làm Tân Thành huyện công. Sau đó, năm 635, Sĩ Cập được tái nhiệm chức Điện trung giám. Ngày Bính Thân (14) tháng 10 năm Nhâm Dần (11 tháng 11 năm 642), Vũ Văn Sĩ Cập qua đời, được phong làm Tả vệ Đại tướng quân (左卫大将军), Đô đốc Lương Châu và được an táng tại Đường Chiêu lăng (唐昭陵), cũng là nơi chôn cất Trưởng Tôn hoàng hậu, về sau chính Đường Thái Tông cũng được chôn cất ở đây.

Vũ Văn Sĩ Cập được ca ngợi là người luôn quan tâm và đối xử tử tế với các anh em, con cháu, và rộng lượng với họ hàng, đặc biệt là những người nghèo khó. Tuy vậy, ông cũng được đánh giá là có lối sống rất xa xỉ. Có một lần Đường Thái Tông tán dương vẻ đẹp của một cái cây, Sĩ Cập đã tán thưởng cây đó liên tục và bị Thái Tông quở trách:

“ Ngụy Trưng thường khuyên ta tránh xa kẻ nịnh thần, mà không biết nịnh thần là ai, giờ mới biết là ngươi. ”

Vũ Văn Sĩ Cập mới tạ lỗi rồi phân trần rằng Hoàng đế thường ít khi có được sự đồng tình của người khác, và bảo rằng ông chỉ muốn làm vui lòng Hoàng đế. Thái Tông nghe vậy bèn tha không trách phạt.

Ban đầu, các quan phụ trách đặt thụy hiệu cho Vũ Văn Sĩ Cập đề xuất chữ Cung (恭, nghĩa là "đáng kính"). Hoàng môn thị lang Lưu Kịp (刘洎) đã chỉ ra lối sống xa xỉ của Sĩ Cập không hợp với chữ Cung nên kiến nghị đổi thành Túng (縱, nghĩa là "hoang phí"). Từ đó thụy hiệu của Vũ Văn Sĩ Cập trở thành Dĩnh Túng công.